IT Solution Theme
- Trang chủ
- Xây dựng chiến lược nhân sự
Xây dựng chiến lược nhân sự
Xây dựng chiến lược nhân sự
Chiến lược nhân sự là gì?
Chiến lược nhân sự là một chiến lược chức năng quan trọng để thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Việc xây dựng và triển khai chiến lược nhân sự thể hiện là quan điểm đầu tư vào vốn nhân lực của một doanh nghiệp (Mello, 2006). Quá trình xây dựng chiến lược nhân sự có thể là một hoạt động trong dự án hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp những cũng có thể là một hoạt động/dự án độc lập.
Qui trình xây dựng chiến lược nhân sự
Quá trình xây dựng chiến lược nhân sự thông thường gồm 5 giai đoạn: (1) phân tích ngành; (2) phân tích chiến lược, chuỗi giá trị, quy trình cốt lõi; (3) Phân loại và xác định các nhóm nhân lực cốt lõi; (4) xây dựng chiến lược nhân sự và (5) triển khai chiến lược nhân sự (xây dựng các quy chế, quy trình và kế hoạch nhân sự).
Bước 1: Phân tích ngành
Hiểu biết các xu hướng thay đổi của ngành đóng vai trò quan trọng trong việc dự báo yêu cầu đối với nguồn nhân lực của bất kỳ doanh nghiệp nào. Những điểm chính trong phân tích ngành là xu hướng tăng trưởng của ngành, xu hướng thay đổi trong thị hiếu của khách hàng và sự phân hoá thị trường, xu hướng cạnh tranh giữa các đối thủ trong ngành.
Xu hướng tăng trưởng của ngành sẽ ảnh hưởng đến sự thiếu hụt hoặc dư thừa nhân lực trong tương lai. Xu hướng thay đổi trong thị hiếu của khách hàng cũng như cơ cấu khách hàng sẽ đặt ra yêu cầu điều chỉnh về mô hình kinh doanh, giá trị cung cấp cho khách hàng và chiến lược kinh doanh. Những thay đổi này sẽ đặt ra những yêu cầu về những kỹ năng hoặc năng lực mới của nhân viên.
Xu hướng cạnh tranh trong ngành – bao gồm sự thay đổi về bản chất lợi thế cạnh tranh, nguồn lực cạnh tranh, tương quan cung cầu.
Bước 2: Phân tích chiến lược, chuỗi giá trị của doanh nghiệp và các qui trình cốt lõi
Làm rõ định hướng/chiến lược của doanh nghiệp ở các nội dung sau
Mục tiêu chiến lược
- Định hướng phát triển tổng thể của công ty: Doanh nghiệp theo đuổi chiến lược tăng trưởng, ổn định, tái cấu trúc, hay cắt giảm quy mô?
- Danh mục lĩnh vực kinh doanh: Doanh nghiệp sẽ tham ra lĩnh vực mới nào? Lĩnh vực nào doanh nghiệp cần duy trì hoặc rút khỏi ngành?
- Phạm vi kinh doanh: Doanh nghiệp tập trung vào sản phẩm, khách hàng mục tiêu, khu vực thị trường, hoặc công đoạn nào trong chuỗi giá trị ngành?
- Lợi thế cạnh tranh: Doanh nghiệp cạnh tranh bằng giá thành thấp, chất lượng cao hay đổi mới sáng tạo?
- Năng lực cốt lõi và chuỗi giá trị: năng lực cốt lõi nào doanh nghiệp cần xây để giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh, vai trò của các chức năng/quy trình trong chuỗi giá trị đối với việc tạo giá trị cho khách hàng và lợi thế chiến lược.
Với mỗi doanh nghiệp, do đặc thù ngành và chiến lược kinh doanh khác nhau nên các chuỗi giá trị khác nhau. Sự khác biệt thể hiện ở vị trí các hoạt động cốt lõi và quy trình kinh doanh quan trọng nhất và thuộc tính của mỗi hoạt động (nhấn mạnh đến hiệu suất, chất lượng hay sáng tạo. Ngay cả khi một doanh nghiệp chưa có một chiến lược kinh doanh rõ ràng thì việc xác định chuỗi giá trị và các quy trình kinh doanh cốt lõi cũng vẫn là rất cần thiết để xác định các nhóm nhân lực và loại kiến thức kỹ năng cần phát triển.
Bước 3: Phân loại và xác định các nhóm nhân lực quan trọng
Mỗi chiến lược kinh doanh có các yêu cầu năng lực và quy trình khác nhau và do đó có các yêu cầu khác nhau đối với từng nhóm nhân lực trong doanh nghiệp. Do đó, khi xây dựng chiến lược nhân sự, doanh nghiệp sẽ phải thiết kế các chính sách nguồn nhân lực khác nhau cho mỗi nhóm nhân lực và đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu từ phía chiến lược kinh doanh.
Bước 4: Xây dựng chiến lược nhân sự
Sau khi làm rõ chiến lược kinh doanh, nhóm nhân lực cốt lõi và thiết yếu, doanh nghiệp có thể bắt tay vào xây dựng chiến lược nhân sự. Các nội dung chính mà một chiến lược nhân sự cần phải có là: (1) mục tiêu chiến lược nhân sự tổng thể và mục tiêu cho các nhóm nguồn nhân lực quan trọng; (2) Các chính sách quản trị nguồn nhân lực nhằm hướng tới việc thu hút, phát triển, giữ chân và tạo động lực; (3) Các chương trình phát triển nguồn nhân lực;
Bước 5: Triển khai chiến lược nhân sự
Để triển khai các chiến lược nhân sự, bước tiếp theo doanh nghiệp cần làm là xây dựng các chương trình và kế hoạch cụ thể bao gồm việc phân bổ ngân sách cũng như các nguồn lực khác để triển khai chiến lược nhân sự.