IT Solution Theme

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Tại sao cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Môi trường sống có quá nhiều yếu tố bất định do chiến tranh, thiên tai, hệ thống luật pháp có nhiều bất cập và thay đổi nhanh đã làm cho đa phần người Việt quen với lối suy nghĩ ngắn hạn, ít quan tâm đến những gì mang tính lâu dài. Điều này thể hiện trong cung cách các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực vào các giá trị như thương hiệu, văn hóa, chiến lược…Rất nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu theo kiểu chạy theo thời thượng, đầu tư nửa vời. Xây dựng văn hóa thì chú trọng nhiều vào bề nổi như thay đổi đồng phục, bàn ghế, chào hỏi…chứ không đầu tư xây dựng nền tảng triết lý kinh doanh, niềm tin, các giá trị cốt lõi. Việc chưa nhìn nhận đúng tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng kinh doanh thể hiện qua một khảo sát của VCCI. Có tới 92% doanh nghiệp "xếp loại" văn hoá kinh doanh bình thường và kém.


Một yếu tố khác ảnh hưởng đáng kể đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là chủ nghĩa cá nhân của người Việt khá mạnh. Người lao động quan tâm nhiều đến lợi ích bản thân và chưa có thái độ đúng đắn trong xây dựng tổ chức, nơi mà họ phải sống 8 giờ trong ngày. Vào nơi làm việc thì lo việc riêng, chat với bạn, luộc điện thoại, chơi game, buôn dưa lê…Ngại học tập vì biết nhiều thì phải làm nhiều. Làm việc tích cực thì bị cho là dại. Kiểu làm việc sáng vác ô đi chờ đến chiều vác ô về rất phổ biến. Chủ nghĩa cá nhân sẽ dẩn đến nạn bè phái. Những người có lợi ích tương đồng sẽ về cùng hội để bảo vệ lợi ích nhóm mình hữu hiệu hơn. Nếu người lao động có những suy nghĩ như thế này thì doanh nghiệp rất khó xây dựng một nền văn hóa lành mạnh.

Lợi ích của văn hóa doanh nghiệp

Để hình dung mức độ ảnh hưởng của văn hóa lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hãy xem nề nếp của một gia đình tác động đến những thành viên trong gia đình đó như thế nào. Thường gia đình có truyền thống vững chắc trong lãnh vực nào thì con em họ cũng dễ thành công trong lãnh vực đó. Văn hóa doanh nghiệp cũng giống như truyền thống gia đình, nó là nền tảng để định hướng cách thức các cá nhân làm việc và ứng xử với nhau. Không có một văn hóa đặc thù làm nền tảng thì doanh nghiệp không thể nào phát triển bền vững. Các thành quả tài chính đạt được, nếu có, chỉ là tạm thời. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ của văn hóa và kết quả kinh doanh. Ở Việt Nam cũng có nhiều minh chứng cho quan hệ này như Biti’s, Eurowindow, Rạng Đông…

Văn hóa dựa trên triết lý, niềm tin, và những giá trị tốt đẹp sẽ tạo ra một môi trường làm việc hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Mọi thành viên tích cực làm việc vì họ hiểu công việc của họ đóng góp vào công việc của người khác và vào thành quả chung của doanh nghiệp như thế nào. Mọi cá nhân có một điểm chung là có cùng niềm tin và chung sức xây dựng các giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp. Họ cảm thấy tự hào được là thành viên của một tổ chức như thế. Đây là chất keo bền vững gắn bó mọi thành viên với nhau và giúp doanh nghiệp giữ được nguồn nhân lực liên tục phát triển.


Văn hóa doanh nghiệp còn là một cơ chế tạo ra và củng cố các dạng hành vi hỗ trợ doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đã định. Các hành vi tốt được tôn vinh và lưu truyền trong toàn tổ chức, từ đời lãnh đạo này sang đời lãnh đạo khác, tạo thành truyền thống của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp có văn hóa mạnh sẽ tạo được sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Đây là lợi thế rất lớn để doanh nghiệp xây dựng hệ thống nhận dạng thương hiệu cho mình. Văn hóa mạnh thống nhất được các thành viên trong tổ chức cũng sẽ giúp doanh nghiệp dễ định hướng kinh doanh vào phục vụ khách hàng. Đây là lợi thế tuyệt đối trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng ác liệt như hiện nay.

Các bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp

  1. Giới thiệu các khái niệm cơ bản, các loại văn hóa tổ chức, chuyển dạng văn hóa, năng lực văn hóa và cách xây dựng tổ chức có năng lực văn hóa
  2. Phân tích để hiểu môi trường kinh doanh và các thế lực sẽ ảnh hưởng đến chiến lược tương lai. Công cụ sử dụng: PEST, FIVE FORCES
  3. Tổ chức workshop với sự tham gia của các lãnh đạo để phát triển tầm nhìn được chia sẻ về những gì công ty cần phải đạt đến. Xác định các giá trị cốt lõi làm nền tảng cho nhận dạng kinh doanh, mục đích chính và thành công và những cái mà bạn không thể thỏa hiệp. Tầm nhìn và các giá trị cốt lõi cho ta định hướng để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Công cụ sử dụng: Đường cuộc đời, Cognitive map
  4. Đánh giá văn hóa hiện tại và đối chiếu với định hướng ở bước 3 để xác định các yếu tố văn hóa cần phải thay đổi. Công cụ sử dụng: Mô hình 7S, mô hình Denison
  5. Xác định các thay đổi cần xảy ra để thu hẹp các khoảng cách giữa văn hóa hiện nay và cái mình muốn đạt tới. Giới thiệu các khái niệm và công cụ để quản lý sự thay đổi
  6. Xác định vai trò của lãnh đạo cấp cao trong việc thúc đẩy thay đổi văn hóa. Lãnh đạo là người khởi xướng và bảo trợ cho các chương trình thay đổi, là chỗ dựa tinh thần và nơi hỗ trợ nguồn lực trong suốt quá trình thay đổi
  7. Phác thảo kế hoạch thực hiện với các mục tiêu can thiệp, thời gian, các cột mốc quan trọng và trách nhiệm
  8. Truyền đạt nhu cầu thay đổi và kế hoạch thay đổi, đả thông tư tưởng và tạo động lực cho giới hữu quan quan trọng
  9. Nhận dạng trở ngại và các nguồn kháng cự, phát triển chiến lược vượt qua
  10. Thể chế hóa, mô hình và củng cố các thay đổi về văn hóa. Lãnh đạo phải làm gương cho những hành vi được khuyến khích. Hệ thống động viên, khen thưởng phải được thiết kế đồng bộ với mô hình văn hóa mới.
  11. Thường xuyên đánh giá lại văn hóa tổ chức và thiết lập chuẩn mực cho việc học tập liên tục và sự chuyển đổi. Các giá trị văn hóa tốt phải được duy trì và truyền bá cho các thành viên mới 

Phạm vi và chi phí:



Xây dựng chiến lược nhân sự sẽ do hai bên thỏa thuận dựa trên tình hình thực tiễn đội ngũ nhân sự, quy mô của tổ chức và mục tiêu của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Thời gian thực hiện dự án có thể kéo dài từ 3 tháng đến 5 tháng, tùy thuộc vào thực trạng và mục tiêu của doanh nghiệp.

Chi phí: Căn cứ vào số giờ làm việc của chuyên gia theo phạm vi công việc và yêu cầu của dự án hai bên đã thỏa thuận.